Táo bón ở trẻ em có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, trẻ biếng ăn và suy dinh dưỡng
Táo bón là một tình trạng xảy ra khá phổ biến ở trẻ em, thống kê có tới 3 - 5% trẻ em đi khám là do chứng táo bón. Bệnh có thể gây ra do nhiều nguyên nhân như: Đại tràng dài, phình trực tràng bẩm sinh hoặc dị dạng hậu môn… Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị táo bón do những nguyên nhân từ chế độ ăn, sinh hoạt hàng ngày như: Trẻ không được bú sữa mẹ, ít uống nước, ăn ít chất xơ, thay đổi loại sữa, nhịn đại tiện hoặc đi đại tiện không đúng giờ, dùng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài,…
Những triệu chứng điển hình của chứng táo bón ở trẻ em là: Số lần đi tiêu ít, có thể từ 2 - 3 ngày mới đại tiện, thời gian đi ngoài kéo dài hơn bình thường, phân rắn, khô gây khó khăn khi đi đại tiện, trẻ phải gắng sức rặn, thậm chí có thể gây chảy máu.
Trẻ bị táo bón thường có biểu hiện như bụng ậm ạch, đầy bụng, mệt mỏi, nhăn nhó, khó chịu, ngủ kém... Nếu để tình trạng bệnh kéo dài mà không được điều trị có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, khiến trẻ biếng ăn, bỏ bữa, lâu ngày dẫn đến khó hấp thu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và có thể làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương. Nghiêm trọng hơn, táo bón cũng có thể gây tác động xấu tới hệ thần kinh, thậm chí là hệ thần kinh trung ương của trẻ, làm gián đoạn chức năng não bộ, lo âu, suy giảm trí nhớ, tập trung kém, phản ứng chậm, dẫn đến sự phát triển không đều về trí tuệ và thể chất.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra táo bón ở trẻ em
Các chuyên gia y tế nói rằng, để điều trị hiệu quả chứng táo bón ở trẻ em, điều quan trọng đầu tiên là phải xác định được nguyên nhân nào gây ra tình trạng bệnh. Từ đó, có các biện pháp điều trị cho phù hợp.
Nếu nguyên nhân táo bón do các dị dạng bẩm sinh của cơ thể như phình đại tràng, dị dạng hậu môn... thì phải giải quyết triệt để bằng cách phẫu thuật. Nhưng trường hợp này thường rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp táo bón ở trẻ em.
Còn nếu nguyên nhân là từ chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày thì nên có sự điều chỉnh bằng cách cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả… Bên cạnh đó hãy khuyến khích trẻ vận động và tránh gây áp lực cho trẻ khi đi vệ sinh.
Ngoài ra, nếu trẻ bị táo bón nặng, bố mẹ cũng có thể cho trẻ sử dụng một số loại thuốc điều trị. Tuy nhiên, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sỹ, dược sỹ hoặc chuyên gia y tế, tránh việc tự ý dùng thuốc dễ dẫn đến dẫn tới những hệ lụy khôn lường.
Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cách xoa bóp để giảm táo bón