Cẩn trọng với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em

Cẩn trọng với bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em

Theo thông tin từ khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian gần đây đơn vị tiếp nhận nhiều trẻ bị xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng.

Trường hợp thứ nhất là trẻ 14 tuổi, có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị khoảng vài tháng nay, đau chủ yếu khi đói, kèm theo ợ hơi, ợ chua. Trước vào viện 5 ngày, trẻ đi ngoài phân đen toàn bãi, ngày 1-2 lần, kèm theo triệu chứng chóng mặt tăng dần.

Trường hợp thứ hai là trẻ 12 tuổi, vào viện vì nôn máu đỏ tươi khoảng 300ml và chóng mặt. Trẻ được truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày cấp cứu.

Trường hợp thứ ba là trẻ 9 tuổi, nhập viện với triệu chứng nôn ra dịch nâu và chóng mặt. Trẻ được truyền khối hồng cầu và nội soi dạ dày cấp cứu, thấy hành tá tràng có ổ loét kích thước khoảng 1cm. Nhờ được can thiệp kịp thời, sau khoảng 1 tuần điều trị, các bệnh nhi đều ổn định và được xuất viện.

Theo BS Phạm Văn Dương – khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trẻ ít gặp bệnh lý dạ dày – tá tràng, nhưng vẫn có thể bị viêm dạ dày cấp, mạn tính, viêm tá tràng cấp tính như ở người lớn.

Về nguyên nhân, viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ được phân thành hai nhóm: Tiên phát (đa số nhiễm khuẩn HP) và thứ phát (chủ yếu là cấp tính, do stress hoặc tác dụng phụ của thuốc như corticoid, thuốc chống viêm không steroid NSAID).

Biến chứng nguy hiểm do viêm loét dạ dày tá tràng là xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện đại tiện phân đen, có máu hoặc nôn ra máu. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng biện pháp điều trị nguyên nhân như tiêu diệt khuẩn HP. Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt cũng góp phần không nhỏ vào thành công của phác đồ điều trị.

Cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ

Cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ.

Để giúp bảo vệ trẻ khỏi viêm loét dạ dày tá tràng, cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn đầy đủ 3 bữa chính, đủ bữa và đúng giờ. Nên chia nhỏ bữa trong ngày, không để trẻ quá đói hoặc ăn quá no. Hạn chế cho trẻ ăn thực phẩm chua, cay, nhiều dầu mỡ, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Thức uống có chứa caffeine, trà, soda cũng có thể làm tăng acid dạ dày, khiến tình trạng viêm loét thêm nặng.

Một số thói quen lành mạnh như ăn chậm, nhai kỹ; Không xem tivi, chơi điện tử trong khi ăn cũng góp phần bảo vệ hệ tiêu hóa. Cha mẹ cần giữ trẻ tránh xa rượu bia, thuốc lá.

Stress là một trong những tác nhân có thể ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa. Phụ huynh nên tránh gây áp lực cho trẻ về cuộc sống, sinh hoạt, học tập. Tâm lý thoải mái cũng giúp cho việc điều trị thuận lợi hơn.

Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nhi khi có biểu hiện như: Đau bụng dai dẳng, chóng mặt, da xanh, nôn máu, đại tiện phân đen, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, chậm tăng cân…

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Lưu ý phụ huynh khi điều trị bệnh dạ dày ở trẻ em nhiễm khuẩn Hp.

← Bài trước Bài sau →