Với những trẻ đang thừa cân, việc đã cố gắng hết sức để giảm cân nhưng cân nặng vẫn không nhúc nhích có thể khiến trẻ cảm thấy thất vọng. Tình trạng này còn gây lo ngại vì trẻ thừa cân béo phì còn có các nguy cơ sức khỏe như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và hen suyễn.
Bài viết này sẽ giúp bạn tìm ra những lí do phổ biến khiến trẻ bị thừa cân và những sai lầm mà cha mẹ có thể gặp phải khi cố gắng giúp trẻ giảm cân cũng như cung cấp cho bạn một số phương pháp giảm cân khoa học an toàn có thể áp dụng cho trẻ.
Những lý do khiến trẻ em tăng và giữ cân
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh – CDC của Mỹ, tỷ lệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bệnh béo phì đã tăng gấp ba lần kể từ những năm 1970. Có hai cách giải thích đơn giản cho sự gia tăng béo phì ở trẻ em: do trẻ nạp vào quá nhiều calo và hoạt động thể chất quá ít.
Một số yếu tố góp phần quan trọng vào việc này là:
- Thói quen ăn uống của gia đình
- Chế độ ăn nhiều calo, nhiều chất béo
- Lượng ăn quá nhiều
- Thói quen ăn thức ăn nhanh, đồ ăn vặt
- Thói quen ăn thực phẩm chế biến sẵn (như bánh pizza)
- Uống nước ngọt
- Lối sống ít vận động chủ yếu xem TV và chơi trò chơi điện tử)
- Gặp các vấn đề căng thẳng
- Buồn chán.
Những sai lầm phổ biến khi giảm cân
Trên lý thuyết, việc giảm cân nghe có vẻ đơn giản bạn chỉ cần ăn ít hơn và tập thể dục nhiều hơn. Nhưng ai cũng biết nói thì dễ hơn làm. Đối với trẻ em thì việc giảm cân lại càng khó vì trẻ chưa có ý thức tự giác trong việc giảm cân và dễ bị bạn bè lôi kéo ăn uống.
Nhiều kế hoạch giảm cân cho trẻ không thành công vì những lý do sau:
Mục tiêu giảm cân không thực tế
Không đặt mục tiêu giảm cân thực tế là một vấn đề phổ biến. Thay vì giảm cân, mục tiêu đầu tiên với trẻ có thể chỉ là ngừng tăng cân. Nếu trẻ đạt được mục tiêu đó sau một vài tháng, thì bạn có thể sửa đổi chế độ ăn uống và mức độ hoạt động của trẻ để bắt đầu giảm cân.
Biện pháp giảm cân quá khắc nghiệt và đột ngột
Người lớn thường từ bỏ chế độ ăn kiêng vì những thay đổi quá đột ngột. Trẻ em cũng sẽ như vậy nếu cha mẹ ép buộc trẻ thay đổi thói quen ăn uống và tập thể dục một cách đột ngột.
Rất nhiều vấn đề có thể xảy ra nếu cha mẹ quyết định thực hiện hàng loạt các biện pháp thay đổi đột ngột với trẻ như chuyển từ sữa nguyên kem sang sữa tách béo, cắt bỏ tất cả nước ngọt và nước hoa quả, cùng với đó là loại bỏ tất cả đồ ăn vặt trong nhà, đồng thời thay đổi thói quen của trẻ từ việc đang dành phần lớn thời gian để chơi điện tử sang tham gia các hoạt động thể thao hoặc tập luyện có huấn luyện cá nhân.
Những thay đổi cực đoan như thế này chỉ khiến trẻ thất bại trong việc giảm cân. Những thay đổi nhất thời này sẽ không mang lại hiệu quả mà bạn nên tập trung vào những mục tiêu dài hạn cho trẻ.
Chưa tăng cường tập luyện vận động
Bạn nên tăng dần mức độ tập luyện cho trẻ. Để trẻ tập luyện mãi một bài tập từ tuần này qua tuần khác sẽ không giúp ích cho quá trình giảm cân của trẻ. Hãy bắt đầu cho trẻ tập thể dục từ 15 đến 20 phút mỗi ngày và tăng dần cường độ cũng như thời lượng mỗi tuần. Trẻ nên dành ít nhất một giờ tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình mỗi ngày và hoạt động thể chất cường độ cao hơn ít nhất ba lần mỗi tuần.
Duy trì những thói quen lười vận động cũ
Bạn không cần cấm trẻ xem TV hoặc chơi điện thoại, nhưng bạn nên đặt giới hạn thời gian trẻ xem TV và điện thoại. Lúc đầu, trẻ có thể rên rỉ và phàn nàn nhưng cuối cùng sẽ buộc phải tham gia vào các hoạt động khác. Hãy cùng trò chuyện và chơi với trẻ để tìm hiểu những hoạt động thể thao mà trẻ thích để trẻ tham gia, giúp trẻ gắn bó với những hoạt động đó hơn.
Chưa có kế hoạch ăn uống khoa học phù hợp
Cha mẹ nên cắt giảm khẩu phần và các loại thực phẩm giàu chất béo, nhiều calo trong thói quen ăn uống của gia đình. Điều này không hề dễ dàng, nhất là khi gia đình bạn có nhiều thành viên và mỗi người có một cân nặng và cần chế độ dinh dưỡng khác nhau. Hãy lên kế hoạch trước cho các bữa ăn, thay vì cho mọi người ăn “thực phẩm ăn kiêng”, hãy thử kết hợp những món yêu thích của gia đình với những thực phẩm ít calo, ít chất béo và đường hơn. Bằng cách lập kế hoạch lên thực đơn trước, bạn có thể kiểm soát được năng lượng trong mỗi bữa ăn và vẫn đảm bảo đáp ứng các mục tiêu dinh dưỡng của cả gia đình.
Bỏ bữa
Điều quan trọng cần nhớ là trẻ vẫn cần phải ăn để cung cấp năng lượng đáp ứng sự trao đổi chất trong cơ thể cũng như phục vụ cho các hoạt động. Nếu trẻ bỏ bữa, mức độ trao đổi chất và chuyển hóa cơ bản có thể giảm mạnh. Khi điều này xảy ra sẽ kích thích trẻ thèm ăn đồ ăn ngọt hoặc những đồ ăn thiếu dinh dưỡng để bổ sung năng lượng thiếu hụt nhanh cho cơ thể. Cha mẹ phải nhấn mạnh với trẻ ngay từ khi còn nhỏ về tầm quan trọng của việc ăn ba bữa mỗi ngày. Bạn cũng có thể dạy trẻ lựa chọn những món ăn vặt nào tốt nếu chúng cần.
Trẻ thiếu động lực để giảm cân
Có lẽ thiếu động lực chính là trở ngại lớn nhất trong việc giảm cân của trẻ. Vậy nên, cha mẹ nên giáo dục trẻ để trẻ hiểu nguyên nhân khiến trẻ cần thay đổi và cũng đừng ngần ngại dành cho trẻ những lời khen động viên khi trẻ có những thay đổi tích cực.
Việc các thành viên trong gia đình cùng tham gia vào các hoạt động giảm cân cũng có thể thúc đẩy sự thay đổi ở trẻ. Cha mẹ không chỉ là những tấm gương để trẻ noi theo mà còn đồng hành cùng trẻ trong quá trình giảm cân
Khi trẻ không thể giảm cân
Đối với đại đa số trẻ em, cách giảm cân là cần đốt cháy nhiều calo hơn lượng trẻ tiêu thụ qua thức ăn và đồ uống. Là cha mẹ, bạn nên theo dõi cả hai điều này. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết có bao nhiêu năng lượng trong một số bữa ăn nhẹ hoặc khi tham gia một số hoạt động có thể đốt cháy bao nhiêu năng lượng.
Bạn có thể giúp trẻ theo những cách sau:
- Ghi nhật ký để theo dõi mức độ hoạt động của trẻ mỗi ngày
- Ghi chép lại mọi bữa ăn, thức uống hoặc bữa ăn nhẹ đã ăn trong ngày
- Cho trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất mà chúng thích
- Lựa chọn thực phẩm tốt cho trẻ đồ ăn nhẹ, đồ uống và thực phẩm lành mạnh.
- Cả gia đình cùng tham gia tập thể dục hàng ngày.
- Động viên khuyến khích trẻ.
Nếu con bạn không thể giảm cân dù đã áp dụng những lời khuyên trên thì bạn hãy cho trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp phù hợp. Bác sĩ nhi khoa có thể đánh giá các nguy cơ sức khỏe có thể gây tăng cân ở trẻ như hội chứng Cushing và suy giáp. Sau khi đã loại trừ được các nguyên nhân về sức khỏe ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ, cha mẹ nên:
- Tìm sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng: Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp trẻ lập một kế hoạch ăn uống để hỗ trợ giảm cân và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ cũng như đưa ra lời khuyên về vận động phù hợp cho trẻ.
- Tìm một huấn luyện viên sức khỏe: Cha mẹ cũng có thể cho trẻ đến phòng tập để tham gia tập luyện cùng các huấn luyện viên.
Tạm kết
Nếu trẻ bị thừa cân hoặc béo phì, điều quan trọng là phải áp dụng phương pháp giảm cân hợp lý. Một trong những mục tiêu đầu tiên là xác định nguyên nhân cơ bản của việc tăng cân để cah mẹ tìm hướng khắc phục cho trẻ. Nguyên nhân có thể do chế độ ăn uống và thói quen ăn uống của trẻ, lười vận động và các vấn đề cá nhân như căng thẳng hoặc buồn chán.
Một trong những lý do khiến việc giảm cân thất bại ở trẻ em là do cha mẹ thường đặt ra những mục tiêu không thực tế. Cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn cho trẻ, đặt giới hạn cho trẻ về thời gian xem TV và trò chơi điện tử, đồng thời tăng dần mức độ tập thể dục hàng tuần.
Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc giảm cân, bạn cần đánh giá xem xét liệu trẻ có đang đốt cháy nhiều calo hơn mức năng lượng trẻ đang tiêu thụ. Nếu điều đó vẫn không hữu ích, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên sức khỏe phù hợp cho trẻ em.
Hãy đến với Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM để được chuyên gia tư vấn chế độ ăn khoa học và sinh hoạt hợp lý để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh bạn nhé! Mọi thông tin xin liên hệ Hotline: 0935.18.3939 hoặc Fanpage Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM.
BS. Hoài Thu
Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM
Theo Verywell Health